Microsoft Azure Stack là gì?
Microsoft Azure Stack là một nền tảng điện toán đám mây lai (Hybrid), một thành phần được mở rộng của Microsoft Azure giúp các tổ chức, doanh nghiệp có thể cài đặt, triển khai các dịch vụ trên Microsoft Azure với dữ liệu Data Center được đặt tại tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể hiểu theo một cách khác đó chính là đám mây cá nhân (Private Cloud) thuộc sở hữu của chính tổ chức, doanh nghiệp.
Sự khác nhau giữa Microsoft Azure & Azure Stack
Microsoft Azure là hệ thống Public Cloud của Microsoft, hệ thống bao gồm hàng trăm Data Center với quy mô lớn được phân bổ tại các địa điểm khác nhau trên toàn thế giới. Đây là mô hình dịch vụ điện toán đám mây mà các dịch vụ được cung cấp rộng rãi trên Internet, cho phép mọi tổ chức, doanh nghiệp, hay người dùng cá nhân đều có thể sử dụng được.
Microsoft Azure Stack là một thành phần mở rộng của Microsoft Azure, mang đến cho các tổ chức, doanh nghiệp khả năng tự triển khai & chạy các dịch vụ Azure ngay trên hạ tầng on-premise của họ, từ đó cho phép xây dựng một môi trường hybrid cloud có “tính nhất quán” cao.
Các tổ chức, doanh nghiệp có thể dễ dàng triển khai, phát triển các ứng dụng trên chính nền tảng Azure Stack nằm tại Data Center của mình, khi có nhu cầu mở rộng, hoặc dịch chuyển ứng dụng có thể dễ dàng đấu nối mô hình Hybrid giữa Azure Stack với Azure Public Cloud. Sự đồng nhất, tính nhất quán giữa hai môi trường Azure & Azure Stack giúp các quản trị viên hệ thống, cán bộ lập trình, phát triển ứng dụng,… của doanh nghiệp dễ dàng vận hành cả hai hạ tầng với một nền tảng kiến thức duy nhất.
Tính nhất quán của Azure & Azure Stack
Sự phù hợp của Azure Stack đối với các tổ chức tại Việt Nam
Công nghệ điện toán đám mây Cloud Computing là một nền tảng công nghệ mới, đang được rất nhiều các doanh nghiệp, tổ chức lớn & nhỏ quan tâm, và được đánh giá là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghệ 4.0 và thúc đẩy xu hướng dịch chuyển số Digital Transformation.
Hiện nay, các hãng lớn về công nghệ điện toán đám mây có thể kể đến như như Microsoft, Amazon, Google hay IBM đều có những giải pháp dịch vụ Cloud tân tiến, tuy nhiên vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, thuyết phục khách hàng đầu tư, sử dụng các giải pháp, dịch vụ trên hạ tầng Cloud của họ, nguyên nhân bắt nguồn từ những yếu tố sau:
· Vấn đề pháp lý: Với các tổ chức Chính phủ, lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực y tế thì dữ liệu không được lưu chuyển ra ngoài khu vực Việt Nam nên việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây Public Cloud là rất khó thực hiện.
· Vấn đề đường truyền: Data Center của các hãng được xây dựng rất nhiều và phân bổ trên toàn thế giới (trong đó Microsoft Azure là nhiều nhất), tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng có Data Center của các hãng được xây dựng. Trong đó Việt Nam hiện nay chưa có một Data Center nào của các hãng lớn đặt trong nước, điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong câu chuyện truyền tải dữ liệu đến Data Center của nhà cung cấp Public Cloud đặt tại nước ngoài, vậy kênh truyền sẽ phụ thuộc vào các tuyến đường truyền quốc tế, như Việt Nam sẽ phụ thuộc vào các tuyến cáp biển. Để giải quyết bài toán này các nhà cung cấp dịch vụ Cloud bắt tay với các nhà cung cấp hạ tầng đường truyền, xây dựng giải pháp cung cấp gói dịch vụ đường truyền, cung cấp đường truyền riêng từ hạ tầng máy chủ của khách hàng đến Data Center của hãng, tuy nhiên giải pháp này chi phí rất cao, không phải khách hàng nào cũng đủ năng lực để đầu tư (Microsoft Azure có ExpressRoutehay Amazon có AWS Direct Connect).
· Vấn đề chuyển đổi: Không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu chuyển đổi toàn bộ ứng dụng lên Cloud, mà nhiều doanh nghiệp chỉ muốn chuyển đổi một phần, hoặc phát triển các ứng dụng mới trên Public Cloud, phần còn lại họ sẽ duy trì trên hạ tầng sẵn có để tiết giảm chi phí hoặc với các mục đích khác. Vậy làm sao để các hệ thống Public Cloud và hệ thống hiện tại của khách hàng có thể tích hợp hoạt động cùng nhau một cách mượt mà.
· Vấn đề tư duy sở hữu: Tâm lý doanh nghiệp từ trước đến nay vẫn theo hướng tư duy cũ, những gì nhìn thấy, quản lý mức vật lý, chủ động kiểm soát được thì vẫn an tâm hơn những thứ không hữu hình. Trên Cloud thì các mức vật lý hoàn toàn không được thấy, không được quản lý,… tạo cảm giác không yên tâm khi sử dụng, mặc dù các tiêu chuẩn về bảo mật và tính sẵn sàng rất cao, thâm chí cao hơn so với mức các doanh nghiệp, tổ chức tự thực hiện.
Với rất nhiều khó khăn, thách thức nêu trên, việc đơn thuần chỉ áp dụng Public Cloud sẽ là con đường rất khó đối với các tổ chức, doanh nghiệp, không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác cũng gặp phải. Microsoft hiểu được các thách thức này, họ đưa ra giải pháp Azure Stack nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức và khó khăn nêu trên, giúp các tổ chức, doanh nghiệp có thể chủ động sớm tiếp cận và sử dụng công nghệ điện toán đám mây tại ngay chính Data Center của mình.
Azure Stack phù hợp với mọi khách hàng cần tuân thủ các quy định về dữ liệu
Các yếu tố quyết định thành công khi chuyển đổi sang hạ tầng Azure Stack
Hiện tại Azure Stack đã hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp các dịch vụ tương đồng trên nền tảng Azure để có thể triển khai chuyển đổi ứng dụng linh hoạt theo các hình thức:
· Azure IaaS: Cung cấp các dịch vụ hạ tầng, hỗ trợ triển khai máy ảo Virtual Machine (VM – Scale Sets), Container, Docker, Networking, Storage à giúp cho việc triển khai các ứng dụng theo phương pháp cài đặt truyền thống, hoặc chuyển đổi ứng dụng trên các máy vật lý, máy ảo của hệ thống cũ lên nền tảng Azure Stack một cách nhanh chóng, tối ưu thời gian.
· Azure PaaS: Cung cấp các dịch vụ ứng dụng sẵn có hỗ trợ triển khai nhanh ứng dụng trên hạ tầng hiện đại, tối ưu với các công cụ, dịch vụ App Services, Azure Functions, Services Fabric, Container Service, Cloud Foundry à giúp cho đội phát triển ứng dụng có thể triển khai ứng dụng mới hoặc chuyển đổi ứng dụng cũ lên hạ tầng Azure Stack theo cách tối ưu nhất về hiệu năng hoạt động của ứng dụng từ đó tiết giảm chi phí hạ tầng, thời gian triển khai ứng dụng, linh hoạt co dãn ứng dụng phục vụ các thời điểm “break time” như chiến dịch maketing, phục vụ khối lượng lớn truy cập trong một thời điểm.
Các dịch vụ đã sẵn có & dịch vụ Microsoft đang phát triển tiếp theo cho Azure Stack
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư Azure Stack sẽ giải quyết được các thách thức, khó khăn chung như phân tích ở trên, tuy nhiên đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có những mô hình, cách thức kinh doanh khác nhau, từ đó nền tảng hạ tầng CNTT, nền tảng ứng dụng sẽ rất đa dạng và có mức độ phù hợp, cách thức, quy mô, tính khả thi khác nhau khi chuyển đổi lên hạ tầng Azure Stack. Chính vì vậy để đảm bảo được việc đầu tư Azure Stack khả thi, đem lại hiệu quả đầu tư cho mỗi doanh nghiệp, tổ chức thì các yếu tố cần phân tích, tính toán, quy hoạch hệ thống cần phải thực hiện rất kỹ lưỡng, từ đó đưa ra quyết định chính xác, giúp tăng hiệu quả tối đa khi đầu tư hệ thống.
Dưới đây là các yếu tố thành công khi đầu tư một hệ thống Azure Stack tại tổ chức, doanh nghiệp:
· Đầu tư phần cứng, phần mềm (Azure Stack integrated systems) phù hợp với nhu cầu, chi phí của doanh nghiệp. Lựa chọn được một trong số các hãng cung cấp phần cứng như Dell EMC, HPE, Lenovo, Cisco và Huawei. Đội ngũ quản trị hạ tầng của khách hàng hiểu quy trình support của Microsoft và hãng phần cứng, phối hợp chặt chẽ trong công tác vận hành, cập nhật phần mềm, thay thế phần cứng, đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống.
· Chuyển đổi ứng dụng lên nền tảng Azure Stack theo mô hình đã hoạch định, thiết kế tính toán kỹ lưỡng, giúp tối ưu hoạt động của ứng dụng (chuyển đổi theo mô hình IaaS, PaaS theo từng loại hình ứng dụng).
· Tài nguyên hệ thống đầu tư đảm bảo đủ hiệu năng (performance) cho các ứng dụng hoạt động, còn đủ tài nguyên dự phòng cho các tình huống cần co dãn hiệu năng của ứng dụng (hoặc đấu nối mô hình Hybrid phục vụ co dãn lên Azure Public khi cần thiết).
· Áp dụng được các công nghệ, tài nguyên (resource) được cung cấp sẵn trong Azure Stack phục vụ cho công việc phát triển, thử nghiệm các ứng dụng mới của tổ chức.
Thiết bị phần cứng được thiết kế kỹ lưỡng, đảm bảo các tiêu chuẩn cho Azure Stack
Lê Thanh Hùng – P. GP Microsoft HN, HSI
|